Ba năm trước, khi vừa cho con vào trường mầm non, gần như cả ngày tôi dán mắt vào chiếc điện thoại để nhìn con. Ngôi trường con tôi học được gắn camera ở nhiều nơi, từ phòng học, sân chơi đến chỗ ngủ. Nhờ đó, khi làm việc, tôi vẫn có thể nhìn thấy hình ảnh sinh hoạt của con trong lớp học, để yên tâm là con mình không bị bạo hành.
Học sinh vui chơi tại một trường quốc tế ở TPHCM. Ảnh: Minh Duy |
Như các bậc phụ huynh khác, thông tin về một số vụ bạo hành trẻ làm cho tôi luôn ở trạng thái "cảnh giác" cao độ, không dám rời chiếc điện thoại ngay cả lúc đang trong cuộc họp hay trong lúc ăn uống. Khi không thấy con bé trong phòng học, tôi càng phải tập trung cao độ vào màn hình của chiếc điện thoại để tìm hình ảnh của bé, chắc rằng con đang chơi đùa chỗ khác chứ không phải đang bị phạt ở ngách nào đó của lớp học. Khi con làm đổ đồ ăn, tôi quan sát cô giáo, để xem cô có la mắng làm con sợ hãi hay không. Khi con đứng khóc một mình, tôi hốt hoảng, chỉ muốn gọi ngay cho cô để hỏi tại sao con khóc và sao con lại chỉ có một mình...
Mà đâu chỉ có mình tôi, phần lớn phụ huynh trong lớp, rồi bạn bè xung quanh cũng làm gần giống như vậy. Thế nên, tiêu chí trường học phải có camera trực tuyến cho phụ huynh theo dõi mọi hoạt động hàng ngày của cô, trò trở thành một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để nhiều ông bố, bà mẹ, trong đó có tôi quyết định chọn trường cho con.
Tôi vẫn bền bỉ ôm chiếc điện thoại để xem camera lớp con cho đến khi thấy những hình ảnh khiến tôi suy nghĩ và thay đổi. Có lần trong giờ nghỉ trưa, một nhóm cô giáo trẻ ngồi ăn cơm ở góc lớp với dáng điệu rất không thoải mái vì phải vừa ăn vừa loay hoay giữ cho chiếc váy trên chân. Vào buổi trưa, các cô tranh thủ chợp mắt nhưng cứ phải trùm một chiếc chăn mỏng rồi quay đầu lại góc có đặt camera. Nhiều lần trong ngày, tôi thấy những đứa trẻ không mặc quần áo trong màn hình. Vì bố mẹ yêu cầu "camera không góc chết" nên mọi hoạt động, gồm cả việc vệ sinh và thay đồ cho trẻ cũng diễn ra dưới ống kính của những chiếc camera.
Dường như tôi đang xâm phạm quyền riêng tư của các cô giáo và cả những đứa trẻ. Thử đặt mình vào hoàn cảnh đó mà xem, chắc chẳng mấy người thấy thoải mái khi biết mọi hành động của mình bị theo dõi bởi hàng chục con mắt, trong đó không chỉ có phụ huynh mà còn có thể là nhiều người không liên quan và cũng có thể họ sẽ buông những lời nhận xét này nọ. Việc liên tục bị nhìn ngó qua camera trong khi đang làm việc cũng dễ khiến giáo viên có cảm giác phụ huynh không tin tưởng và tôn trọng giáo viên. Những đứa trẻ cũng vậy, chúng cũng cần có sự riêng tư, không thể phô hết mọi thứ trước ống kính như thế được. Những hình ảnh đó có thể gây hại cho trẻ vì biết đâu, trong số những người xem lại có người có ý xấu.
TPHCM vừa tính đến kế hoạch lắp camera ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong năm học mới 2018-2019 nhằm xử lý tình trạng bạo hành trẻ đang gây bức xúc dư luận, giảm uy tín của ngành giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng vừa mới khảo sát giáo viên và phụ huynh quận 1, 12 và huyện Hóc Môn về việc này. Kết quả cho thấy, đa số phụ huynh ủng hộ nhưng về phía giáo viên thì chỉ có 48% đồng ý. Số người không đồng ý cho rằng, hình ảnh lớp học được cập nhật trên mạng sẽ khiến họ gặp nhiều rắc rối vì phụ huynh dễ hiểu lầm tình huống hoặc vì quá lo lắng cho con mà liên tục gọi điện nhắc nhở giáo viên.
Tôi phần nào hiểu được suy nghĩ của phía ủng hộ lẫn bên không đồng ý và thấy rằng chiếc camera không thể là lời giải hay nhất cho những vụ việc bạo hành trẻ em ở lớp học. Để giảm bạo hành, cơ quan quản lý nên thay đổi cách thức đào tạo để có những giáo viên giỏi, giàu kỹ năng dạy dỗ và chăm sóc trẻ nhỏ tuổi mầm non; cải thiện cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho giáo viên để họ có thể bớt áp lực, vui vẻ và yên tâm làm việc. Song song đó là hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên để phòng ngừa các trường hợp vi phạm, đừng để phụ huynh mất lòng tin với nhà trường mà chỉ tin vào chiếc camera trong việc bảo vệ con.
Về phía phụ huynh, chắc chúng ta cũng sẽ không vô can khi để con trẻ bị bạo hành. Nếu gần gũi, trò chuyện và chăm sóc con chu đáo thì trong rất nhiều trường hợp, không cần đến chiếc camera, các ông bố, bà mẹ cũng có thể biết con được đối xử như thế nào trong lớp để có những phản ứng kịp thời. Thêm vào đó, chiếc camera có thể là rào cản trong việc tạo sự kết nối giữa phụ huynh, con trẻ và thầy cô giáo vì một khi đã biết hết mọi việc trong ngày rồi thì phụ huynh cũng chẳng còn nhiều tò mò để hỏi han con hay trò chuyện với giáo viên giáo sau giờ tan học. Thiếu kết nối thì không hiểu nhau, từ đó có thể dẫn đến tình trạng những việc không hay có thể xảy ra nhưng không được phát hiện.
Theo Thesaigontimes
THÔNG TIN THANH TOÁN & DỊCH VỤ:
- Tên tài khoản: Nguyễn Anh Tuấn
- Số tài khoản: 0501000058467
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Bắc Sài Gòn
- Hỗ trợ cài đặt: fb.com/kequaduongvodanh
- Dịch vụ: Xem chi tiết >>
+ Nhận convert template từ Wordpress
+ Sửa lỗi, nâng cấp template
+ Thiết kế Form Liên hệ từ Google Form